Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Nhà sản xuất phim: Anh là ai?

thegioisankhaudienanh.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://vietbao.vn/Van-hoa/Nha-san-xuat-phim-Anh-la-ai/20446769/183/
Một thành phần đặc biệt quan trọng, là người tạo dựng và xúc tiến bộ phim từ lúc còn trứng nước đến lúc thành phim nhưng chưa bao giờ được nhắc đến: người sản xuất (film producer), phải chăng vai trò này không quan trọng? Đã đến lúc Điện ảnh Việt Nam nhìn lại vấn đề này.
Phim Người Mỹ trầm lặng
Mỗi năm hai trường đào tạo về điện ảnh Việt Nam là Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho “ra lò” hàng loạt đạo diễn, diễn viên điện ảnh tương lai, nhưng cả hai trường và tất cả cơ sở làm phim trên cả nước đều chưa bao giờ đặt ra vấn đề đào tạo nhà sản xuất, một vai trò gần như quyết định sự thành bại của một bộ phim. Tại sao lại như vậy?
Từ trước chúng ta vẫn quen với cách làm phim thời bao cấp. Tiền được rót từ ngân sách xuống các hãng phim, đương nhiên các hãng phim là các nhà sản xuất. Các đạo diễn, ekip nào được chọn làm phim sẽ được quyết định bởi lãnh đạo hãng phim, sau đó đạo diễn còn đượcchọn diễn viên, đề xuất kế hoạch, kinh phí….
Để hỗ trợ cho việc sản xuất này, một thành phần mới được sinh ra: chủ nhiệm. Vai trò của chủ nhiệm là ôm cặp tiền đi theo đoàn phim để chi trả chi phí, diễn viên, phục trang, bối cảnh…
Đấy là những bộ phim tương đối “xa xỉ”, thường là phim nhựa, và phim có những nguồn kinh phí lớn. Còn trong những phim có nguồn kinh phí “eo hẹp”, thì đạo diễn đóng luôn vai trò của chủ nhiệm.
Kinh phí làm phim được khoán “một cục” cho đạo diễn. Người này đóng vai trò từ lúc chính sửa kịch bản, liên hệ chọn ekip, diễn viên đến thanh toán catse lẫn việc trả tiền cơm cho đoàn phim hàng ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc các đạo diễn đựoc thỏa sức tự tung tự tác, từ việc cắt xén bối cảnh, nhân vật đến việc tùy ý trả tiền cho diễn viên, và đã không hiếm diễn viên phải “ngậm đắng nuốt cay” với số catse quá ít ỏi, để không mất mối quan hệ và những vai diễn tiếp theo. Hoặc có những bộ phim đến mấy chục tập mà chỉ loanh quanh, nghèo nàn với vài bối cảnh sơ sài, đạo cụ chắp vá, nhân vật lưa thưa..
Vấn đề khác nảy sinh là diễn viên được gọi là “nổi tiếng”, nghĩa là được đóng nhiều phim, xuất hiện nhiều trên truyền hình, không phải là những diễn viên tài năng, mà là những diễn viên “ngoan”, biết lấy lòng các đạo diễn và không bao giờ thắc mắc chuyện tiền nong.
Hãy thử nhìn lại những bộ phim nước ngoài, bao giờ tên của nhà sản xuất cũng được nói đến đầu tiên, cùng với tên đạo diễn. Hay như một ví dụ điển hình nhất, trong bộ phim Người Mỹ Trầm Lặng được sản xuẩt ở Việt Nam, để chọn được diễn viên Hải Yến vào vai Phượng, đạo diễn Phillip Noyce đã phải đấu tranh cho Hải Yến vì nhà sản xuất lại muốn chọn diễn viên châu Á đang nổi là Lucy Liu, một trong ba cô thám tử của “Những thiên thần của Charli”, để đảm bảo cho sự thành công cho bộ phim. Sau nhiều nỗ lực, Hải Yến cuối cùng đã đựợc chọn vào vai Phượng, sau khi một biên bản được ký bởi ba nhà sản xuất.
Vậy vai trò của nhà sản xuất là gì? Họ có thể là người chủ đầu tư, hoặc là người có được một dự án, sau đó họ đứng ra kêu gọi đầu tư, tìm đối tác và triển khai sản xuất.
Để làm được một nhà sản xuất phim chuyên nghiệp, người này phải thấy đựoc tính khả thi của dự án, hiểu người, hiểu công việc và quan trọng phải biết làm gì, với ai để cho công việc hiệu quả, đáng “đồng tiền bát gạo”… Đồng thời bản thân họ phải là người có uy tín để tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư.
Người sản xuẩt phải hiểu được sở trường của các đạo diễn để giao phim cho họ, đồng thời giúp họ tìm diễn viên, đối tác. Và đương nhiên họ phải gánh phần trách nhiệm về tài chính cũng như tất cả những chuyện “cái kim, sợi chỉ” khác, để đạo diễn được hoàn toàn yên tâm làm “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Khi nêu vấn đề này ra, người nghe có thể sẽ nói ngay rằng vai trò này vẫn có và vẫn đang tồn tại. Xin thưa, chủ nhiệm không phải là nhà sản xuất, còn lãnh đạo các hãng phim, những người chẳng bao giờ bước chân ra hiện trường cũng không bao giờ là nhà sản xuất chuyên nghiệp cả.
Chúng ta vốn vẫn đang quen với việc chẳng biết các nhà làm phim đã sử dụng kinh phí của những bộ phim tiền tỷ như thế nào, và sau đó cũng chẳng biết bộ phim đấy như thế nào nốt, vì chúng chỉ được chiếu cho các nhà làm phim, nhà phê bình xem rồi xếp kho chờ… đi tham dự liên hoan phim.
Điều đó có thể khả thi với những bộ phim nhà nước mang nhiều tính chất tuyên truyền hơn giải trí, nhưng sẽ ra sao với các bộ phim tư nhân, đòi hỏi tính thương mại cao. Nhất là trong thời điểm này, khi mà phong trào làm phim tư nhân và phim có đầu tư nước ngoài đang rầm rộ!
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (Cục phó Cục Điện ảnh):
Nên mở chuyên ngành đào tạo các nhà sản xuất phim...
Xưa nay chúng ta quen vẫn quen với cách làm phim bao cấp, nhà nước rót tiền xuống các hãng phim, vì thế các giám đốc hãng phim đương nhiên được bổ nhiệm là nhà sản xuất, điều hành công việc sản xuất phim. Chúng ta vẫn đang mắc kẹt ở chỗ hai bộ phận sản xuất và phát hành phim là hai thành phần tách rời nhau. Trong khi đó kinh phí để làm một bô phim chỉ đựoc tính đủ để sản xuất thôi, không có phần dành cho quảng bá sản phẩm, phần này được bỏ mặc lại cho bộ phận phát hành. Tôi hy vọng các trường đào tạo điện ảnh cũng nên tính đến việc mở chuyên nghành đào tạo các nhà sản xuất phim. Có thể trong thời gian tới Cục Điện Ảnh sẽ có tiếng nói với Trường Sân khấu – Điện ảnh về việc mở khoa đào tạo sản xuất này.
Ông Vũ Xuân Hưng (Phó giám đốc Hãng phim truyện I):
Sẽ tốt hơn nếu cổ phần hoá các hãng phim
Quan niệm các giám đốc hãng phim là nhà sản xuất chỉ đúng về mặt hành chính, không đúng về mặt chuyên môn.
Thực ra khi có nhà sản xuất như vậy thì vô tình hay hữu ý chúng ta đã mất chức năng giám đốc hãng phim nhà nước. Hiện nay họ đang phải làm quá nhiều việc, trong đó chư yếu là những việc sự vụ, không phải việc trực tiếp sản xuất. Việc tổ chức và quản lý được giao cho một chức danh khác là chư nhiệm, nhưng chủ nhiệm không phải là nhà sản xuất. Anh ta làm chức năng của mình ở đoàn phim không đến nơi đến chốn, anh ta không có trách nhiệm tuyệt đối với bộ phim. Tình hình sẽ tốt hơn nếu các hãng phim được cổ phần hóa. Các cổ đông sẽ theo dõi sát sao đến sản phẩm của họ.
Lúc này có thể các giám đốc sẽ cần một nhà sản xuất thực sự chứ không phải chủ nhiệm như hiện nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét